(NCPLĐTO) – Chiều ngày 18/12/2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bến Tre phối hợp với Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam; Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC); Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE); Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam; Tạp chí điện tử Việt Nam Hương Sắc đã tổ chức buổi tọa đàm “chuyển đổi số – Chìa khóa để phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời kỳ hội nhập” tại Trung tâm Hội nghị TTC Palace tỉnh Bến Tre. Đây là một trong chuỗi sự kiện thuộc khuôn khổ của chương trình hướng đến mục tiêu nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ thông qua việc truyền cảm hứng và đào tạo kiến thức, kỹ năng kinh doanh.
Quang cảnh toạ đàm
Về phía địa phương có: Bà Nguyễn Thị Kim Thoa – Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh; Thường trực Hội LHPN tỉnh; Các Sở, ban ngành trong tỉnh, Quỹ HTPNPTKT, BCH Hội Nữ doanh nhân tỉnh, Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các địa phương trong tỉnh Bến Tre, đại diện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh do phụ nữ làm chủ; các tổ hợp tác, HTX có PN tham gia quản lý; đại diện các dự án/ý tưởng khởi nghiệp đạt giải Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh năm 2024…Đặc biệt, sự kiện còn có sự góp mặt của các nữ doanh nhân khởi nghiệp và hơn 30 đơn vị doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm sản phẩm.
Về phía đơn vị phối hợp tổ chức: TS. Hồ Minh Sơn; ThS. NSNA. Lê Xuân Thăng; Nhà báo Hồ Phú Quốc Cương; Nhà báo Trương Ngọc Hải; Nhà báo Trương Hữu Phước. Các diễn giả khách mời: PGS.TS Bùi Quang Hải – Nguyên Phó vụ trưởng phụ trách vụ Đào tạo (Bộ VHTT&DL); TS. Bùi Đặng Dũng – Nguyên phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội; Luật sư – ThS Đặng Thị Ngọc Hạnh – PCT Ủy ban xây dựng pháp luật và trợ giúp pháp lý (Liên đoàn Luật sư Việt Nam); TS.Trần Anh Tuấn – Phó trưởng ban Ban phong trào cơ quan UBTW MTTQ Việt Nam (khoá VIII).
Các diễn giả chủ toạ buổi toạ đàm
Phát biểu khai mạc toạ đàm, Bà Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết: Nhằm góp phần nâng cao quyền năng kinh tế giúp phụ nữ tự tin hơn, tự chủ hơn trong lao động, sáng tạo hơn trong lao động, trong khởi nghiệp và phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh phối hợp cùng các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp nhằm triển khai buổi tọa đàm “Chuyển đổi số – Chìa khóa để phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời kỳ hội nhập” cho các nữ doanh nhân, nữ chủ doanh nghiệp, nữ chủ hộ kinh doanh, có ý định khởi nghiệp, kinh doanh hoặc quan tâm và muốn hiểu rõ hơn về kinh doanh, khởi nghiệp. Các khách mời đánh giá cao chất lượng của buổi tọa đàm và mong muốn các buổi tọa đàm tiếp tục được triển khai trong những năm tới, tạo cơ hội cho nhiều phụ nữ được tiếp cận với các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho phụ nữ, hướng tới nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, góp phần thúc đẩy kinh tế tự chủ và phát triển kinh tế bền vững.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa phát biểu tại toạ đàm
Tại tọa đàm, các chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ về các giải pháp để phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong thời kỳ hội nhập; các mô hình kinh doanh cho phụ nữ khởi nghiệp dưới góc nhìn pháp lý; phụ nữ khởi nghiệp – cơ hội tự chủ trong cuộc sống…
Phó Giáo sư -Tiến sĩ Bùi Quang Hải
Theo Phó Giáo sư -Tiến sĩ Bùi Quang Hải chia sẻ, một trong các giải pháp để phụ nữ khởi nghiệp thành công trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là phụ nữ cần nâng cao năng lực, trí tuệ để tiếp nhận những cái mới; nâng cao kỹ năng mềm, khả năng kết nối và khả năng thích ứng. Chuyển đổi số và thương mại điện tử hiện nay đối với phụ nữ khi có ý định kinh doanh đều gặp khó khăn trong tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, các tổ chức xã hội cần hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tăng cường sự liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước, các mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ tháo gỡ khó khăn trong xúc tiến thương mại, giúp phụ nữ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Theo tìm hiểu của Viện IMRIC và Viện IRLIE, trong giai đoạn 2017 – 2024, Bến Tre đã hỗ trợ 106 mô hình khởi nghiệp, 2.214 phụ nữ tham gia khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; hỗ trợ tư vấn, khởi sự và phát triển 1.336 doanh nghiệp do nữ làm chủ. Hiện này, tỉnh Bến Tre có 1.464 doanh nghiệp do nữ làm chủ; có 26/193 hợp tác xã và 244/1.161 tổ hợp tác có phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý.
TS. Hồ Minh Sơn phát biểu tại toạ đàm
Tiến sĩ Hồ Minh Sơn thông tin, trong thời gian qua, cả nước có gần 270.000 cuộc tuyên truyền cho hơn 18,5 triệu hội viên phụ nữ về việc làm, khởi nghiệp, tăng 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp thông qua; gần 79.000 phụ nữ được hỗ trợ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phối hợp, hỗ trợ thành lập 5.908 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý; gần 80.000 doanh nghiệp của phụ nữ được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
TS. Hồ Minh Sơn đã trao đổi cùng các doanh nghiệp, doanh nhân, các nữ doanh nhân đang trong quá trình khởi nghiệp về các giải pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số, những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với khởi nghiệp nói chung và phụ nữ khởi nghiệp nói riêng và cách để vượt lên chính mình, ứng dụng công nghệ phục vụ quá trình khởi nghiệp của bản thân. Những câu chuyện thực tế, hấp dẫn của diễn giả đã giúp người nghe nắm được những cơ hội tiềm ẩn trong thách thức của cuộc cách mạng công nghệ hiện nay đồng thời tăng thêm niềm tin về sự thành công trong tương lai của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nữ nói riêng khi ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh.
TS. Bùi Đặng Dũng
Trong khi đó, TS. Bùi Đặng Dũng thông tin về đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017, sau 6 năm thực hiện Đề án, phong trào phụ nữ khởi nghiệp ngày càng được lan tỏa, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ, với hàng ngàn phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thành công ở khắp mọi miền của tổ quốc, với đa dạng các lĩnh vực, ngành nghề, ở mọi loại hình kinh doanh, các chị đã và đang đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của đất nước và tạo được việc làm cho nhiều phụ nữ và người dân tại các địa phương.
TS. Trần Anh Tuấn
TS. Trần Anh Tuấn thì đã chia sẻ những thông tin hữu ích nhằm hỗ trợ các các đại diện các nữ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn về mặt pháp lý thường gặp khi lựa chọn đồng sở hữu, nhân viên và khách hàng; Nắm bắt các chiến lược hiệu quả để quản trị công ty, tuyển dụng và giữ chân nhân tài. Qua đó, trang bị kỹ năng giải quyết các xung đột và tranh chấp pháp lý trong doanh nghiệp để cùng nhau xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Bến Tre trong thời gian tới.
Luật sư – ThS. Đặng Thị Ngọc Hạnh
Trong khi đó, Luật sư – ThS. Đặng Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh vai trò quan trọng của các vấn đề pháp lý đối với sự thành công trên con đường khởi nghiệp của các hội viên và nữ doanh nghiệp khởi nghiệp.Cạnh đó, mong muốn quý doanh nghiệp, HTX có nữ quản lý tham gia chương trình hiểu rõ hơn về những vấn đề pháp lý thường gặp khi lựa chọn đồng sở hữu, nhân viên và khách hàng trong quá trình hoạt động. Đồng thời, nâng cao kiến thức trong việc xây dựng các chiến lược hiệu quả để phát triển doanh nghiệp, đảm bảo việc vận hành dự án. Bên cạnh đó, trao đổi về các vấn đề xoay quanh việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp, quản trị hoạt động kinh doanh hiệu quả, làm thế nào để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và cách giải quyết tranh chấp phù hợp,…
ThS. Lê Xuân Thăng
ThS. Lê Xuân Thăng cho hay trên thế giới, các ngành công nghiệp văn hóa đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ và được xác định là yếu tố quan trọng, bền vững nhằm thu hút nguồn lực, tạo lợi thế cạnh tranh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội, định vị thương hiệu quốc gia. Việt Nam có tiềm năng, lợi thế lớn về nhiều mặt để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế của thời đại. Tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá, tuyên truyền thường xuyên để tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong nhận thức về các ngành công nghiệp văn hóa.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Chương trình tọa đàm và hội chợ triển lãm không chỉ tạo diễn đàn giao lưu kết nối và học hỏi kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, sinh viên nữ và phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp nữ trao đổi giao thương, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Chương trình cũng lan tỏa thông điệp Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế đến cộng đồng xã hội và trở thành nền tảng cho những buổi tọa đàm tiếp theo, nhằm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững.
TS. Hồ Minh Sơn đánh giá, các nữ doanh nhân Bến Trekhông chỉ kiên trì, bền bỉ “chèo lái” hoạt động kinh doanh vượt qua các khó khăn mà còn năng động, sáng tạo, đem bản lĩnh, trí tuệ, tài năng và nhiệt huyết của người phụ nữ Việt dấn thân vào các lĩnh vực vừa mới, vừa khó- vốn được coi là thế mạnh của nam giới như công nghệ thông tin và các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch…Tuy nhiên, một số doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ còn một số hạn chế về quy mô, nguồn vốn, năng lực cạnh tranh thấp, hiệu quả hoạt động chưa như mong muốn, chưa tham gia được vào các chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu…Trong thời gian tới, sẽ có những hoạt động phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bến Tre để xây dựng, đề xuất các chính sách; tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế tập thể…Đồng thời, phối hợp thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, tập trung hỗ trợ các hộ kinh doanh/doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ trong việc hoạch định chiến lược truyền thông, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp, xây dựng hình ảnh cá nhân…
Hữu Ước – Văn Nhân/Nguồn Viện IMRIC