(NCPLĐTO) – Mặc dù có thị trường có chút rung lắc nhẹ sau 2 phiên tăng khá tốt, nhưng lực cầu vẫn tích cực, giúp VN-Index duy trì diễn biến khởi sắc và tiếp tục vượt mốc 1.230 điểm.
Sau chuỗi ngày dài giảm mạnh và liên tục phá vỡ các vùng hỗ trợ thấp hơn, thị trường đã đảo chiều hồi phục và xác nhận phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp, giúp chỉ số VN-Index trở lại sát mốc 1.230 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản trong phiên 21/11 sụt giảm khá mạnh cho thấy phiên tăng điểm thiếu động lực bứt phá và thiên về nhịp hồi kỹ thuật.
Xu hướng đảo chiều vẫn chưa được xác nhận, thị trường vẫn cần thêm thời gian cũng như các tín hiệu tích cực hơn nữa như yếu tố dòng tiền trong nước và cường độ bán từ khối ngoại tiếp tục giảm dần. Đặc biệt là trong bối cảnh VN-Index đang tiến tới khoảng GAP giảm điểm trước đó, tại 1.229 – 1.231 điểm.
Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 22/11, lực cầu tỏ ra thận trọng hơn sau 2 phiên khởi sắc liên tiếp đã khiến thị trường trở nên phân hóa. Chỉ số VN-Index biến động rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu rồi vượt mốc 1.230 điểm chỉ sau gần 30 phút mở cửa.
Tuy nhiên, việc thiếu vắng các trụ cột dẫn dắt và lực cầu khá yếu đã khiến thị trường khó tăng tốc và nhanh chóng quay đầu khi áp lực bán dần nhích nhẹ. Sau khoảng 90 phút giao dịch, chỉ số VN-Index về sát vạch xuất phát khi các nhóm chứng khoán, bất động sản nới rộng hơn biên độ giảm, trong khi nhóm ngân hàng phân hóa trong biên độ hẹp.
Hiện toàn thị trường chỉ có HPG và TCB sôi động nhất, với khối lượng khớp lệnh chỉ đạt hơn 5 triệu đơn vịvà thị giá đều chỉ tăng chưa tới 1%.
Trong bối cảnh chung đang dần chuyển qua trạng thái ảm đạm thì nhóm cổ phiếu viettel lại đua nhau khởi sắc, trong đó VTP có thời điểm tiệm cận mức giá trần và hiện đang tăng 5,4%, còn VGI tăng trên dưới 3%, CTR tăng gần 1%.
Lực cầu gia tăng đã giúp nhiều cổ phiếu hồi phục và chỉ số VN-Index khởi sắc trở lại và tạm dừng phiên sáng trên mốc 1.230 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 177 mã tăng và 158 mã giảm, VN-Index tăng 3,45 điểm (+0,28%), lên 1.231,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 206,66 triệu đơn vị, giá trị hơn 5.215 tỷđồng, tăng 37,5% về khối lượng và 47,3% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 32,85 triệu đơn vị, giá trị hơn 958 tỷ đồng.
Nhóm VN30 cũng khởi sắc hơn, dù chỉ tăng hơn 3 điểm nhưng là vùng giá cao nhất trong phiên sáng, khi có 13 mã tăng và 10 mã giảm. Trong đó, VHM là lực cản lớn nhất khi lấy đi hơn 1,1 điểm của chỉ số chung, chốt phiên giảm 2,5%, còn lại các mã đều giảm chưa tới 1%.
Ngược lại, GAS có phiên giao dịch khởi sắc khi tăng 2,6%, đóng góp lớn nhất với hơn 1 điểm cho thị trường; tiếp theo là HPG, TCB, VNM đều tăng hơn 1%.
Xét về nhóm ngành, bên cạnh mã lớn VHM, các cổ phiếu bất động sản khác cũng đều điều chỉnh giảm nhẹnhư DXG, NVL, DIG, TCH, PDR, KDH, HDG, SZC… đều giảm trên dưới 1%.
Nhóm chứng khoán điều chỉnh nhẹ bởi số mã giao dịch dưới mốc tham chiếu chiếm ưu thế hơn, dù mức giảm trong biên độ hẹp như SSI, VIX, FTS, ORS, CTS, BSI đều giảm chưa tới 1%.
Nhóm ngân hàng tiếp tục tăng nhẹ, nhờ TCB tăng 1%, VCB tăng gần 0,8%; cùng CTG, BID, MBB, LPB nhích nhẹ; trong khi STB, TPB, MSB, OCB, EIB điều chỉnh dưới 0,5%.
Nhóm cổ phiếu thép, phân bón đều tăng nhẹ, điểm sáng nhất là HPG tăng 1,2% với thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt 8,22 triệu đơn vị, trong khi HSG và NKG tăng nhẹ 0,8%; hay ở nhóm phân bón có HCM tăng 1,34%, VFC tăng 2,62%, DPM tăng 0,9%.
Họ Viettel vẫn tăng khá tốt, với VTP tăng gần 5%, VGI tăng 2,61%, CTR tăng 0,8%.
Trên sàn HNX, mặc dù phần lớn thời gian quay đầu điều chỉnh giảm, nhưng dòng tiền sôi động đã giúp HNX-Index hồi phục thành công.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 50 mã tăng và 79 mã giảm, HNX-Index tăng 0,21 điểm (+0,09%), lên 221,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,89 triệu đơn vị, giá trị 300,13 tỷ đồng, đều tăng gần gấp đôi cả về lượng và giá trị so với sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,66 triệu đơn vị, giá trị 47 tỷ đồng.
Ở nhóm HNX30, cổ phiếu NVB tăng mạnh nhất là 2,4%, tiếp theo là DVM tăng 1,4%, ngược lại TMB giảm 3,6% và LHC giảm 2,7%, còn lại chủ yếu chỉ biến động nhẹ quanh mức 0,5%.
Ở nhóm top cổ phiếu vừa và nhỏ, MST tiếp tục khởi sắc khi chốt phiên tăng 3,4% lên mức 6.100 đồng/CP và giao dịch sôi động nhất thị trường với hơn 3,1 triệu đơn vị khớp lệnh.
Cổ phiếu chứng khoán trên HNX tích cực hơn, trong đó điểm sáng nhất là VFS đảo chiều tăng 2,7% lên mức 15.100 đồng/CP và thanh khoản đạt 2,94 triệu đơn vị, trong khi MBS và SHS tăng trên dưới 0,5% với thanh khoản giảm đáng kể, thậm chí SHS giảm mạnh khi có chưa đến 0,9 triệu đơn vị
Trên UPCoM, sau thời gian ngắn đầu phiên duy trì sắc xanh, thị trường đã quay đầu điều chỉnh nhẹ.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,34 điểm (-0,37%), xuống 91,16 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 16,18 triệu đơn vị, giá trị 170,37 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 0,6 triệu đơn vị, giá trị3,67 tỷ đồng.
Duy nhất cổ phiếu BSR có thanh khoản 1,37 triệu đơn vị, chốt phiên đứng giá tham chiếu 19.300 đồng/CP.
Một số mã đáng chú ý giao dịch khởi sắc với thanh khoản hơn 0,8 triệu đơn vị như họ viettel có VGI tăng 2,6%, hay cổ phiếu phân bón DDV tăng 2,2%…
T.Thúy/www.tinnhanhchungkhoan.vn