(NCPLĐTO) – Ngày 26/09/2024, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Bến Tre, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (HTPNPTKT), Ban quản lý Dự án phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu(Dự án CSAT) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam tổ chức Hội thảo – Tập huấn “Thương mại điện tử và xây dựng thương hiệu quảng bá sản phẩm cho nữ và thanh niên”.
Các đại biểu tham dự tập huấn
Cùng tham dự Hội thảo có Bà Nguyễn Thị Kim Thoa – Tỉnh uỷ viên – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, bà Đặng Thị Tuyết Hạnh – Uỷ viên BTV – Trưởng ban GĐXH – KT, bà Trần Diễm Thuý – Trưởng phòng quản lý chiến lược Dự án CSAT Bến Tre, bà Hồ Bích Hạnh – TV HĐQL – Giám đốc Quỹ HTPNPTKT, bà Bùi Thị Thuỳ Duy – Phó Giám đốc Quỹ HTPNPTKT, bà Bùi Thị Trúc Linh – Phó Giám đốc Quỹ HTPNPTKT cùng với đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hội viên Hội LHPN trên địa bàn tỉnh.
Về phía đoàn chuyên gia tập huấn trong hội thảo có TS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC – Phó Tổng biên tập tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam, TS. Bùi Đặng Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội, TS. Trần Anh Tuấn – nguyên Trưởng ban – Ban phong trào Uỷ ban TW MTTQVN, Ths. Lê Xuân Thăng – nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Ths. Huỳnh Tấn Cảnh – Founder Ứng dụng Trợ lý Anh ngữ Riolish – Giảng viên Đại học Greenwich Việt Nam – Chuyên viên cáo cấp Viện IMRIC, Nhà báo Hồ Phú Quốc – Trưởng cơ quan phía Nam Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bà Nguyễn Thị Kim Thoa – Tỉnh uỷ viên – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Hiện nay, sàn Thương mại điện tửđang trở thành xu hướng phổ biến và ngày càng thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, nông hộ, hội viên của Hội LHPN tỉnh. Nhằm giúp cho hội viên phụ nữ, thanh niên được trang bị kiến thức cơ bản về Thương mại điện tử phổ biến như Lazada, Shoppee, Tiki, Tiktok shop, Facebook… và các chiến lược xây dựng thương hiệu quảng bá sản phẩm, phát triển chuỗi giá trị tại địa phương. Năm 2023, nhiều hình thức mua sắm mới được phát triển mạnh mẽ, điển hình là xu hướng livestream (bán hàng phát trực tiếp) và bán hàng đa kênh đã đem lại doanh thu khổng lồ cho các nhà bán hàng chuyên nghiệp. Nhận thức được vai trò quan trọng của thương mại điện tử đối với sự phát triển, thời gian qua, Đảng và Nhà nước, tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo nhằm phát triển thương mại ổn định và bền vững”.
Chủ tịch Hội LHPN nhận định, để phát triển bứt phá hơn nữa trong năm 2024 và những năm tiếp theo, các doanh nghiệp, nông hộ, hội viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh cần thống kê chính xác các khó khăn đang phải đối mặt trong quá trình triển khai thương mại điện tử và sử dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh của mình. Qua đó, giúp các cơ quan quản lý hiểu rõ hơn những thách thức mà hội viên đang gặp phải để có những chính sách hỗ trợ cụ thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Song song đó, quý hội viên, thanh niên cũng cần nâng cao nhận thức và hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực thương mại điện tử, tăng cường đầu tư các thiết bị cần thiết để có thể ứng dụng thương mại và công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh, xây dựng chính sách, chiến lược kinh doanh cụ thể và đa dạng về hình thức bán hàng, phương thức thanh toán, chính sách chăm sóc khách hàng…
TS. Hồ Minh Sơn
Tại Hội thảo, TS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng viện IMRIC – Phó Tổng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam chia sẻ: “Cuộc CMCN 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của Internet, các nền tảng số đã mở ra cơ hội lớn cho công đồng DN, Quý cô, quý chị là chủ nhiệm HTX, hộ kinh doanh trong việc tiếp cận thị trường, quảng bá thương hiệu và bán hàng. Trong suốt những năm qua, việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh đã có bước phát triển nhất định, từ nhận thức đến việc thực hiện nhiều giải pháp trong xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực CNTT, các giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, MXH từng bước được cải thiện theo hướng nâng cao.
Năm 2024 và những năm tiếp theo, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre cần thống kê chính xác các khó khăn đang phải đối mặt trong quá trình triển khai thương mại điện tử và sử dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Qua đó, giúp các cơ quan quản lý hiểu rõ hơn những thách thức mà doanh nghiệp đang gặp phải để có những chính sách hỗ trợ cụ thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Song song đó, quý cô, quý nữ doanh nghiệp cũng cần nâng cao nhận thức và hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực thương mại điện tử, tăng cường đầu tư các thiết bị cần thiết để có thể ứng dụng thương mại và công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh, xây dựng chính sách, chiến lược kinh doanh cụ thể và đa dạng về hình thức bán hàng, phương thức thanh toán, chính sách chăm sóc khách hàng…”
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế phối hợp với Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam cho thấy, năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tăng thêm khoảng 4 tỷ USD (tăng 25%) so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD. Kết quả này cho thấy, thương mại điện tử ngày càng khẳng định là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Dự kiến đến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Với hình thức kinh doanh online, quý nữ doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm lên các nền tảng giao dịch thương mại điện tử trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò là bên bán các sản phẩm hoặc dịch vụ cho người tiêu dùng có thể hỗ trợ khách hàng trong và ngoài nước cùng với đó nhanh chóng có doanh thu và phù hợp với thói quen sử dụng các nền tảng như Facebook, Zalo… của khách hàng.
Hội nghị Tập huấn diễn trong vòng 1 ngày, các hội viện, doanh nghiệp, thanh niên được nghe ThS. Huỳnh Tấn Cảnh – Chuyên viên cao cấp công nghệ thông tin của Viện IMRIC, phổ biến các kiến thức về: Thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP; Xu hướng thương mại điện tử, xác định Unique Selling Poin (Điểm bán hàng khác biệt), xây dựng hệ thống bán hàng liên kết (Affiliate), xây dựng lời chào bán hàng hấp dẫn, Tạo trang bán hàng trên các sàn TMĐT (Lazada, Shoppee, Tiki, Tik Tok Shop, FaceBook…).
ThS. Huỳnh Tấn Cảnh
ThS. Huỳnh Tấn Cảnh đã cung cấp một cái nhìn sâu sắc về cơ hội và thách thức mà quý vị đang đối mặt trong bối cảnh chuyển đổi số. Đồng thời, phân tích Cách mạng 4.0 và những điểm mới của Thương mại điện tử Việt Nam, nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của các sàn giao dịch thương mại điện tử như Shopee, Lazada và Alibaba. Tin rằng, phần thảo luận tập trung vào những thuận lợi và thách thức khi doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử, từ đó đề xuất các giải pháp chuyển đổi số. Các bước cần chuẩn bị trước khi tham gia sàn TMĐT, yêu cầu về sản phẩm, hạ tầng dữ liệu, và quy định tham gia cũng được đề cập một cách cụ thể, giúp các doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt nhất.ThS Huỳnh Tấn Cảnh đã hướng dẫn về kỹ năng tham gia sàn thương mại điện tử. Xây dựng và quản lý gian hàng trực tuyến trên các sàn TMĐT, với những chiến lược cụ thể để nâng cao hiệu quả quảng bá sản phẩm. Ngoài ra, cần chia sẻ những điều kiện cần thiết để thành công trong việc tiếp cận khách hàng và giới thiệu sản phẩm một cách hiệu quả. Các nội dung này không chỉ bao gồm kỹ năng thực hành mà còn bao gồm các văn bản pháp luật cần quan tâm, giúp các doanh nghiệp tuân thủ các quy định và hạn chế rủi ro khi kinh doanh trực tuyến.
Hội nghị tập huấn lần này hứa hẹn sẽ trang bị những kiến thức và thông tin bổ ích cho công tác quản lý, cũng như hỗ trợ quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cá nhân và đơn vị. Hội nghị còn hướng đến việc quảng bá các sản phẩm truyền thống và các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của Bến Tre, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương.
Hội nghị không chỉ mang lại những kiến thức thực tiễn và công cụ hỗ trợ hữu ích, mà còn mở ra cơ hội kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp và đơn vị trên địa bàn, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế cho Hội LHPN nói riêng, tỉnh Bến Tre nói chung.
Quang cảnh tập huấn
Ngoài ra, các đại biểu cũng được hướng dẫn và tham gia thực hành về cách thiết kế tờ rơi, banner, card visit, video chuyên nghiệp; viết nội dung và cách đặt tiêu đề cho bài viết; ứng dụng AI để làm nội dung…
Một số hình ảnh tiêu biểu tại tập huấn:
Trần Nhật Lâm/Nguồn Viện IRLIE