(NCPLĐTO) – Những năm gần đây, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến với nhiều mô hình thanh toán linh hoạt, tiện lợi, mang lại trải nghiệm tốt cho người dùng.
Thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến
Chị Trần Lan Anh (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) cho biết, hơn 1 năm trước chủ yếu sử dụng tiền mặt. Gần đây, bắt nhịp xu hướng phát triển, chị thay đổi phương thức thanh toán các dịch vụ, chủ yếu sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số.
“Khi đi mua sắm, chỉ cần vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh, mọi giao dịch được thanh toán một cách dễ dàng, tránh các rủi ro khi sử dụng tiền mặt. Việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ là xu hướng nên tôi dần làm quen và sử dụng”, chị Lan Anh chia sẻ.
Quản lý quán cà phê tại phố Nguyễn Du (Hà Nội) cho biết, nhu cầu thanh toán bằng cách quét mã QR của khách hàng ngày càng nhiều bởi hình thức này rất tiện lợi, đỡ phải tìm tiền lẻ để thối lại cho khách hoặc ngược lại.
Trong xu thế thời đại công nghệ 4.0, việc thanh toán, chi trả qua ngân hàng cũng được triển khai, thực hiện ở các cơ quan, đơn vị, bệnh viện, trường học,… với phương thức phù hợp.
Theo đó, các khoản phí, lệ phí, tiền điện, nước, học phí, viện phí, trợ cấp an sinh xã hội, chi trả lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp, các khoản thu, chi ngân sách nhà nước,… cũng trở nên thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng và tiện lợi, đỡ mất thời gian đi lại.
Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến nay, có hơn 87% người trưởng thành mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, với tổng 180 triệu tài khoản và 138 triệu thẻ ngân hàng. Số lượng điểm chấp nhận thẻ đạt 1,8 triệu đơn vị, cùng mạng lưới thanh toán chấp nhận mã QR đang ngày càng phủ rộng nhanh chóng. Nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, giao dịch không dùng tiền mặt đạt 7,83 tỷ giao dịch, với tổng giá trị 134,9 triệu tỷ đồng, (tăng 58,23% về số lượng và 35,01% về giá trị) so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, thanh toán qua kênh Internet tăng 49,97% về số lượng và 32,13% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 59,3% về sốlượng và 38,53% về giá trị; giao dịch qua mã QR tăng 104,2% về số lượng và 99,5% về giá trị.
Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến.
Quá trình chuyển đổi này đã hình thành và mở rộng hệ sinh thái số cung ứng sản phẩm-dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm, cung cấp trải nghiệm giao dịch liền mạch, cá nhân hóa; đẩy mạnh xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt; góp phần to lớn vào sự phát triển chung của ngành Ngân hàng.
Còn theo báo cáo của Visa – công ty công nghệ thanh toán điện tử hàng đầu thế giới – công bố những hiểu biết mới nhất về bối cảnh thanh toán tại Việt Nam trong Nghiên cứu về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng 2023, xu hướng chuyển đổi sang các phương thức thanh toán điện tử hiện đại đang ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam.
Theo đó, 56% số người dùng Việt tham dự khảo sát đang ít mang theo tiền mặt hơn so với năm trước, thểhiện sự chủ động nắm bắt các công nghệ tài chính mới của người tiêu dùng. Đặc biệt, người dùng trẻ hiện đóng vai trò như thế hệ tiên phong thúc đẩy đà tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt, với 89% sốngười tham gia khảo sát đã tiếp cận thành công các phương thức thanh toán kỹ thuật số trong đời sống hằng ngày.
Trước hết, đó là sự “lên ngôi” của ví điện tử. Việt Nam hiện góp mặt trong tốp đầu những thị trường Đông Nam Á đón nhận đông đảo lượt người dùng mới sử dụng ví điện tử như một phương thức thanh toán yêu thích, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tài chính số. Báo cáo cũng cho thấy cứ 5 người thì có ít nhất 4 người tiêu dùng Việt sử dụng ví điện tử thường xuyên.
Cùng với ví điện tử, thời gian gần đây, thanh toán theo thời gian thực (Real-time payment, RTP) đang dần chiếm lĩnh được vị thế với độ phủ sóng đáng kể, một minh chứng nội lực quốc gia trong việc đón nhận các công nghệ tài chính hiện đại.
Phương thức thanh toán thời gian thực vừa cho thấy tính hiệu quả vừa nhanh chóng, tiện lợi, cũng từng bước tạo đà cho tiến trình số hóa nền kinh tế diễn ra tích cực hơn.
Tại Việt Nam, RTP đang ngày càng được ưa chuộng, với ít nhất 2 trong số 5 người tiêu dùng cho biết đã từng sử dụng giải pháp này. Ứng dụng RTP trong đời sống tiêu dùng cũng dần trở nên đa dạng hơn, trong đó có thể kể đến giao dịch xuyên biên giới, chuyển tiền giữa các cá nhân P2P, thanh toán cho nhà bán hàng – đơn vị bán lẻ và thanh toán hóa đơn.
Ngoài ra, mua trước trả sau (Buy Now Pay Later-BNPL) cũng đang ngày một phổ biến rộng rãi và được nhiều người dùng Việt Nam quan tâm, nhờ khả năng mang đến những phương án thanh toán linh hoạt. Quan hệđối tác chiến lược giữa Visa với các nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam trong giải pháp Trả góp Visa (Visa Instalment Solutions) là một thí dụ cho những tác động mang tính bước ngoặt của những loại hình thanh toán số đa dạng hiện nay trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện và tăng trưởng kinh doanh.
Thẻ tín dụng, tuy ít được sử dụng để nạp tiền cho ví điện tử, nhưng đổi lại trở thành lựa chọn ưu tiên hàng đầu cho thanh toán mua trước trả sau tại Việt Nam. Cùng với ứng dụng dễ sử dụng, mã giảm giá miễn phí, chương trình điểm thưởng và khả năng theo dõi thanh toán dễ dàng là một loạt những động lực chính gia tăng việc sử dụng dịch vụ mua trước trả sau.
Đảm bảo an toàn trong thanh toán
Theo ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thanh toán không dùng tiền mặt có sự tăng trưởng ấn tượng. Đến hết 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và có 87,08% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán.
Số lượng giao dịch thanh toán qua kênh Internet và Mobile bình quân giai đoạn 2021-2023 lần lượt tăng trưởng ở mức 52% và 103,3%; tăng trưởng về số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR Code đạt hơn 170%.
Về mở tài khoản qua phương thức eKYC (xác minh danh tính điện tử), 40 ngân hàng báo cáo đã triển khai chính thức với gần 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động…
Liên quan đến đến các hoạt động đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho hoạt động thanh toán, theo ông Dũng, Ngân hàng Nhà nước đã thường xuyên có các văn bản chỉ đạo toàn ngành về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán. Trong đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán rà soát quy trình, quy định nội bộ, tăng cường công tác quản lý rủi ro, thực hiện hậu kiểm 100% đối với các tài khoản/ví điện tử mở bằng eKYC…
Ngoài ra, ngành Ngân hàng đã và đang tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06/QĐ-TTg ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ cho công tác làm sạch dữ liệu, xác minh thông tin khách hàng thông qua Căn cước công dân gắn chip, tài khoản VneID và hỗ trợ trong việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Trong khi đó, bà Lê Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – nhấn mạnh đến tầm quan trọng của truyền thông giáo dục tài chính, để “không ai bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính”.
Việc này nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, đẩy lùi tín dụng đen.
Yến An/VOV.VN
https://vov.vn/cong-nghe/chuyen-doi-so/buoc-nhay-vot-cua-cac-mo-hinh-thanh-toan-khong-tien-mat-o-viet-nam-post1126712.vov