(NCPLĐTO) – Sáng ngày 31/03/2025, tại số 412/2, đường Huỳnh Tấn Phát, KP 1, phường Bình Thuận, quận 7, Tp.HCM, Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) phối hợp với Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam đã tổ chức buổi tham vấn pháp lý bằng hình thức trực tuyến cho cộng đồng doanh nghiệp và các độc giả liên quan đến dự thảo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; Bộ luật Dân sự 2015 và Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 nhằm lan toả tuyên truyền, phổ biến tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân và doanh nghiệp.
Trong suốt thời gian qua, việc các luật gia, luật sư tư vấn miễn phí trực tiếp và trực tuyến qua điện thoại, Zalo, Viber để trả lời các thắc mắc pháp lý cho người dân và doanh nghiệp. Đây là hoạt động thiết thực, thường xuyên của Viện IMRIC; Viện IRLIE; Tạp chí DN&TTVN; Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC); Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) với mong muốn góp phần nâng cao kiến thức pháp luật và chấp hành pháp luật của người dân. Các luật gia, luật sư tham gia vào các quan hệ này để hỗ trợ pháp lý như tạo thêm sức mạnh, sự hiểu biết để việc giải quyết các vướng mắc đó được thực hiện hiệu quả, thực tế.
Tại buổi tham vấn lần này, TS. Hồ Minh Sơn đã phân tích, giải đáp các thắc mắc của độc giả và doanh nghiệp quan tâm, cụ thể: Trường hợp thứ nhất: Dự thảo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú, Bộ Công an đã đề xuất các trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam không được gặp thân nhân. Trường hợp thứ hai: Người gửi tiền tại ngân hàng, khi không may qua đời, người thừa kế sẽ được thừa hưởng số tiền đó. Tương tự, người thừa kế có nghĩa vụ gì với khoản nợ nếu người vay tiền qua đời…
Trường hợp thứ nhất: Người bị tạm giữ, tạm giam không được gặp thân nhân khi nào?
Căn cứ theo Điều 22 dự thảo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú, người bị tạm giữ được gặp thân nhân 1 lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân 1 lần trong 1 tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá 1 giờ.
Qua đó, người đến thăm gặp phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong trường hợp là thân nhân của họ. Đồng thời, việc thăm gặp phải chịu sự giám sát, theo dõi chặt chẽ của cơ sở giam giữ; không làm ảnh hưởng đến các hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền; tuân thủ quy định về thăm gặp; trường hợp cơ quan thụ lý vụ án có yêu cầu thì phối hợp với cơ sở giam giữ để giám sát, theo dõi việc thăm gặp. Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định cụ thể thời điểm thăm gặp; thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án về việc thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Theo dự thảo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú còn nêu rõ, Thủ trưởng cơ sở giam giữ không đồng ý cho thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong các trường hợp sau và phải nêu rõ lý do: Thân nhân không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc cơ quan đang thụ lý vụ án có văn bản đề nghị không cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân do thấy có ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ án (phải nghi rõ lý do ảnh hưởng nghiêm trọng, thân nhân cụ thể không được thăm gặp, thời gian không được thăm gặp, khi thấy không còn ảnh hưởng phải có văn bản thông báo cho Thủ trưởng cơ sở giam giữ); Trong trường hợp khẩn cấp để bảo vệ an toàn cơ sở giam giữ hoặc để tổ chức truy bắt người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn; Khi có dịch bệnh xảy ra tại khu vực có cơ sở giam giữ hoặc đang trong thời gian phòng, chống dịch bệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Khi cấp cứu người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A; Khi đang lấy lời khai, hỏi cung hoặc người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang tham gia các hoạt động tố tụng khác; Người bị tạm giữ, người bị tạm giam không đồng ý thăm gặp. Trong trường hợp này, người thăm gặp được trực tiếp gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc không đồng ý thăm gặp hoặc người bị tạm giữ, người bị tạm giam sẽ ký vào biên bản không đồng ý thăm gặp có chữ ký của người làm chứng để xác nhận việc không đồng ý thăm gặp; Người đến thăm gặp cố ý vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ từ 2 lần trở lên; Người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang bị kỷ luật theo quy định.
Trường hợp thứ hai: Vay tiền ngân hàng rồi qua đời, số nợ có được ngân hàng xóa hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015, người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại. Nghĩa vụ đó được quy định như sau: Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả tiền trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ trả tiền được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại; Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ trả tiền do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Căn cứ vào Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người thừa kế không được quyền từ chối nhận di sản trong trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
Do đó, khi người vay tiền không may qua đời, người thừa kế của người này phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong phạm vi di sản thừa kế được hưởng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người cho vay.
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 422 Bộ luật Dân sự, nếu trong hợp đồng vay tiền cho thỏa thuận chỉ người vay là người phải trả nợ thì khi người này chết, hợp đồng vay tiền sẽ chấm dứt.
Do vậy, khi người vay tiền chết, người thừa kế của người đó có nghĩa vụ trả tiền trong phạm vi di sản của người chết để lại, trừ trường hợp trong hợp đồng vay tiền thỏa thuận nghĩa vụ trả tiền phải do chính người vay trả hoặc có thỏa thuận khác.
Mặt khác, bên cho vay có quyền yêu cầu người thừa kế của người vay trả tiền. Trong trường hợp người thừa kế cố ý không trả, bên cho vay có quyền khởi kiện tại TAND cấp huyện, nơi bị đơn cư trú. Bên cho vay cần phải có các giấy tờ chứng minh về việc vay tiền.
Người vay không trả nợ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Căn cứ theo Bộ luật Dân sự 2015, Điều 466 quy định: Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý. Điều này, có nghĩa nếu trước đây vay vàng, nay có thể trả nợ bằng tiền theo giá vàng ở thời điểm trả nợ (nếu được bên cho vay đồng ý); Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Điển hình, vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau: Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này; Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Căn cứ Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) có quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 4 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Khung hình phạt cao nhất của tội này là 7 năm tù. Ngoài ra, phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Cùng với đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Hồ Vĩnh Chung – PCVP Viện IRLIE; CVP Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm/Nguồn Viện IRLIE