(NCPLĐTO) – Ngày 19/03/2025, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) tổ chức buổi tham vấn pháp lý cho các doanh nghiệp thành viên Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE cùng các độc giả.
Tại buổi tham vấn pháp lý, các doanh nghiệp và độc giả đã trao đổi với các luật gia, luật sư, các tư vấn viên pháp luật. Đặc biệt, hai trường hợp được doanh nghiệp và độc giả trao đổi và đặt câu hỏi nhiều nhất: Trường hợp thứ nhất: Nhiều phòng khám hiện hoạt động sai quy định, độc giả thắc mắc các chế tài đối với những bác sĩ, phòng khám này là gì…Trường hợp thứ hai: Bán xôi ngoài đường được xem là hình thức kinh doanh thức ăn đường phố nhưng cần giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm không...
Tại đây, ThS. Phạm Trắc Long – Phó viện trưởng Thường trực Viện IRLIE, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn về Chính sách, pháp luật cho hoạt động đầu tư tài chính tại Việt Nam (CFV) đã trực tiếp dẫn chứng một số ví dụ điển hình, tham vấn pháp lý cụ thể sau:
Trường hợp thứ nhất: Không công khai giá khám chữa bệnh, bị xử lý như thế nào?
Điển hình, Sở Y tế tỉnh Bình Thuận mới đây đã có công văn chấn chỉnh hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại các phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn. Theo đó, bên cạnh các phòng khám đa khoa, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân uy tín, vẫn còn một số phòng khám đa khoa tư nhân vi phạm các quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó, hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép; sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam; quảng cáo quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép; không công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hoặc có niêm yết giá nhưng thu phí cao hơn giá đã niêm yết; vẽ bệnh, moi tiền bệnh nhân…
Căn cứ the Điều 38 Nghị định 117/2020, nếu bác sĩ hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép thì sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong 22-24 tháng. Đồng thời, bác sĩ vi phạm còn phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm.
Căn cứ theo Điều 39 Nghị định 117/2020, đối với phòng khám, bệnh viện vi phạm, mức phạt tiền có thể từ 80-100 triệu đồng. Trường hợp phòng khám hoạt động theo mô hình hộ kinh doanh, mức phạt dao động từ 40-50 triệu đồng. Bên cạnh đó, cơ sở vi phạm có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong 2 – 4 tháng.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 39 Nghị định 117/2020, nếu không công khai giá dịch vụ, bệnh viện, phòng khám có thể bị phạt tiền từ 2-6 triệu đồng, riêng trường hợp phòng khám hoạt động với mô hình hộ kinh doanh vi phạm bị phạt từ 1-3 triệu đồng.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 39 Nghị định 117/2020, hành vi thu giá dịch vụ cao hơn giá đã niêm yết bệnh viện, phòng khám sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng, riêng trường hợp phòng khám hoạt động với mô hình hộ kinh doanh vi phạm bị phạt từ 5-10 triệu đồng.
Trường hợp thứ hai: Bán xôi ngoài đường có cần chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm?
Độc giả và doanh nghiệp nêu câu hỏi: Bán xôi ngoài đường được xem là hình thức kinh doanh thức ăn đường phố nhưng cần giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm không?.
Đúng là cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải đáp ứng một số điều kiện nhất định, trong đó phải được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo Điều 11 nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Thế nhưng, nghị định cũng có loại trừ một số trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Nghị định này; đó là các trường hợp cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bao gồm: Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định; Sơ chế nhỏ lẻ; Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn; Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; Nhà hàng trong khách sạn; Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm; Kinh doanh thức ăn đường phố; Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.
Như vậy, việc bán xôi ngoài đường được xem là hình thức kinh doanh thức ăn đường phố nên không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Mặc dù, không cần Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng bạn cần tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tương ứng.
Căn cứ theo Điều 31, Điều 32 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi bày bán thức ăn đường phố. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu, dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm và người kinh doanh thức ăn đường phố như sau: Phải cách biệt nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm; Phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đường phố; Nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ rang; Dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh; Bao gói và các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không được gây ô nhiễm và thôi nhiễm vào thực phẩm; Có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại; Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh; Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
CTVTVPL Trần Ngọc Danh (Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn)